Lần đầu 'luật hóa' việc trồng dược liệu dưới tán rừng
Cây dược liệu được phép trồng dưới tán rừng, nhưng phải có phương án cụ thể và không làm suy giảm diện tích, chất lượng rừng, theo nội dung Nghị định 183 vừa ban hành.
Chính phủ ban hành Nghị định 183/2025/NĐ-CP hôm 1/7, lần đầu tiên bổ sung đầy đủ hành lang pháp lý cho hoạt động nuôi, trồng và khai thác cây dược liệu trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất, với nhiều quy định chặt chẽ nhằm vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ tài nguyên rừng.
Đây là một trong những sửa đổi lớn nhất của Nghị định 183 so với Nghị định 156/2018/NĐ-CP, văn bản hướng dẫn thi hành Luật Lâm nghiệp. Toàn bộ mục mới (Mục 4a) đã được thêm vào, thiết lập khung pháp lý chi tiết cho hoạt động phát triển cây dược liệu trong rừng.

Nghị định 183 ra đời, được kỳ vọng sẽ gỡ rào cản thể chế cho việc trồng dược liệu dưới tán rừng. Ảnh: Tùng Đinh.
Theo đó, lần đầu tiên các khái niệm như “cây dược liệu trong rừng” hay “thu hoạch cây dược liệu” được đưa vào văn bản quy phạm pháp luật, nhằm phân biệt rõ giữa cây trồng nuôi dưỡng và cây mọc tự nhiên.
Điểm nhấn của Nghị định là quy định rõ nguyên tắc: việc trồng cây dược liệu phải giữ nguyên hiện trạng rừng, không được xâm lấn hoặc làm suy giảm chức năng sinh thái.
Cây được trồng phải phù hợp sinh thái khu vực, nằm trong danh mục dược liệu có giá trị cao do Bộ Y tế ban hành, hoặc được tỉnh công nhận. Tuyệt đối không được lợi dụng danh nghĩa trồng dược liệu để khai thác cây mọc tự nhiên trong rừng.
Ngoài ra, Nghị định cũng nghiêm cấm việc sơ chế, sấy, bảo quản dược liệu ngay trong rừng, điều từng gây lo ngại về nguy cơ cháy rừng và phá vỡ cân bằng sinh thái. Thay vào đó, sản phẩm sau thu hoạch phải được vận chuyển ra khỏi rừng, thực hiện các bước xử lý tiếp theo ở ngoài khu vực bảo tồn.
Về hình thức thực hiện, các chủ rừng có thể tự trồng hoặc hợp tác, liên doanh, cho thuê môi trường rừng. Tuy nhiên, các phương án trồng dược liệu phải được lập thành kế hoạch cụ thể, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hộ dân, cộng đồng có thể tổ chức thành nhóm để xây dựng phương án và được khuyến khích phát triển theo hướng tập thể, quy mô lớn.
Việc cho thuê môi trường rừng để trồng cây dược liệu cũng được luật hóa rõ ràng. Mức giá thuê không thấp hơn 5% doanh thu thực tế của bên thuê, thời hạn thuê tối đa 10 năm theo chu kỳ cây trồng. Nếu sau 12 tháng ký hợp đồng mà không triển khai, chủ rừng có quyền chấm dứt hợp đồng, trừ trường hợp bất khả kháng.
Chủ trương xã hội hóa nguồn lực đầu tư trong lâm nghiệp tiếp tục được đẩy mạnh qua quy định này. Các tiêu chí lựa chọn tổ chức, cá nhân thuê rừng được đánh giá theo bộ hồ sơ kỹ thuật chi tiết, ưu tiên các đơn vị từng nhận khoán bảo vệ rừng hiệu quả. Chủ rừng được toàn quyền phê duyệt và chịu trách nhiệm về lựa chọn.

Sâm Lai Châu, một loại dược liệu quý, được trồng dưới tán rừng. Ảnh: Bảo Thắng.
Nghị định cũng phân định rõ trách nhiệm của các bộ ngành. Bộ Nông nghiệp và Môi trường hướng dẫn kỹ thuật, kiểm tra hoạt động trồng dược liệu. Bộ Y tế ban hành danh mục cây có giá trị y tế và kinh tế cao. UBND cấp tỉnh sẽ xây dựng danh mục riêng phù hợp địa phương, đồng thời tổ chức phê duyệt, giám sát toàn bộ quá trình trồng và khai thác.
Việc bổ sung nội dung về cây dược liệu trong rừng được đánh giá là động thái kịp thời trong bối cảnh Việt Nam đang sở hữu trên 5.000 loài cây thuốc quý nhưng chưa được khai thác bền vững. Nhiều địa phương tại khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên đã có mô hình trồng sâm, ba kích, hà thủ ô, đẳng sâm dưới tán rừng, nhưng thiếu hành lang pháp lý rõ ràng để quản lý.
Trước đây, do chưa có quy định cụ thể, việc trồng dược liệu trong rừng diễn ra tự phát, khó kiểm soát. Thậm chí, một số nơi lợi dụng danh nghĩa “trồng dược liệu” để khai thác cây rừng trái phép, đốt phá để lấy đất hoặc làm suy thoái rừng tự nhiên.
Với Nghị định 183, lần đầu tiên cơ chế phê duyệt phương án, đánh giá hồ sơ, lấy ý kiến cơ quan liên quan… được quy định rõ ràng cho từng nhóm đối tượng, từ hộ dân đến tổ chức.
Điểm đáng chú ý cuối cùng, là Nghị định đã phân biệt phương thức canh tác giữa rừng đặc dụng và các loại rừng khác. Với rừng đặc dụng, chỉ được trồng phân tán hoặc theo đám, diện tích không vượt quá một phần ba lô rừng; còn rừng sản xuất và phòng hộ có thể thực hiện mô hình kết hợp nông, lâm nghiệp.
Nghị định 183 có hiệu lực từ ngày 15/8, được kỳ vọng sẽ khơi thông nguồn lực cho phát triển dược liệu dưới tán rừng. Đây là hướng đi vừa bảo tồn thiên nhiên, vừa nâng cao sinh kế người dân miền núi.
Theo Nghị định 183, Bộ Y tế sẽ ban hành danh mục cây dược liệu có giá trị y tế và kinh tế cao toàn quốc; UBND cấp tỉnh có quyền bổ sung danh mục phù hợp điều kiện địa phương. Cây trồng phải tương thích với sinh thái rừng và không được khai thác từ tự nhiên.
Trường hợp địa hình dốc trên 30 độ hoặc khu vực rừng phòng hộ trọng yếu, việc trồng dược liệu phải được đánh giá kỹ lưỡng trước khi phê duyệt. Các bên đã thuê môi trường rừng để làm du lịch sinh thái nếu muốn trồng thêm dược liệu phải làm lại hồ sơ, điều chỉnh hợp đồng. Thời hạn thuê được tính theo chu kỳ cây trồng, nhưng không vượt quá 10 năm cho mỗi lần ký.
/File PL NĐ đính kèm >>>
/File NĐ đính kèm >>>Nguồn: Bảo Thắng (https://nongnghiepmoitruong.vn/lan-dau-luat-hoa-viec-trong-duoc-lieu-duoi-tan-rung-d760867.html)