Đang tải...

QUY TRÌNH KỸ THUẬT

TRỒNG RỪNG SẢN XUẤT GỖ LỚN BẰNG CÂY KEO LAI (Acacia hybrid) VÀ CÂY KEO LÁ TRÀM (Acacia auriculiformis)

  

Chương I NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quy trình kỹ thuật này áp dụng cho trồng rừng sản xuất gỗ lớn bằng cây keo lai, keo lá tràm các dòng đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận và cho phép nhân giống để trồng rừng. Mục đích chủ yếu của việc áp dụng quy trình là để tạo ra rừng trồng có năng suất cao, chất lượng tốt cung cấp được nhiều nhất, nhanh nhất sản phẩm gỗ làm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến các sản phẩm đồ mộc sử dụng nội địa và xuất khẩu.

Điều 2. Quy trình này quy định những biện pháp kỹ thuật bao gồm các khâu khảo sát điều kiện nơi trồng, thiết kế trồng rừng, trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ cây trồng áp dụng trong phạm vi tỉnh Bình Định với chu kỳ trồng rừng từ 10 năm trở lên.

Chương II ĐẶC TÍNH SINH THÁI VÀ ĐIỀU KIỆN GÂY TRỒNG

Điều 3. Cây keo lai là tên gọi tắt để chỉ giống lai giữa cây keo tai tượng (Acacia mangium) với cây keo lá tràm (Acacia auriculiformis). Tên khoa học của cây keo lai là Acacia hybrid.

Cây keo lai có hình thái thân lá, hoa, quả trung gian giữa cây keo tai tượng và cây keo lá tràm. Điểm nổi bật nhất của cây keo lai là sinh trưởng nhanh hơn so với cây keo tai tượng và cây keo lá tràm.

Rễ cây keo lai phát triển sâu, có nhiều nốt sần chứa vi khuẩn cố định đạm (Rhizobium) nên có khả năng lớn về cải tạo đất; tán lá cây phát triển cân đối.

Cây keo lai có khả năng thích ứng với các điều kiện đất đai khí hậu tương đối rộng giống hai loài cây keo bố và mẹ.

Điều 4. Cây keo lá tràm còn có tên là tràm bông vàng. Tên khoa học của cây Keo lá tràm là Acacia auriculiformis.

Cây Keo lá tràm là cây lá rộng thường xanh. Trong điều kiện bình thường cây cao bình quân 12-20m, đường kính 30-40cm; nơi điều kiện thuận lợi có thể cao trên 30m, đường kính trên 50cm.

Rễ cây keo lá tràm phát triển sâu, có nhiều nốt sần chứa vi khuẩn cố định đạm (Rhizobium) nên có khả năng lớn về cải tạo đất; tán lá cây keo lá tràm phát triển cân đối.

Cây keo lá tràm có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt, thích ứng với các điều kiện đất đai khí hậu tương đối rộng.

Chương III ĐIỀU KIỆN NƠI TRỒNG

Điều 5. Các yếu tố chủ yếu để xác định điều kiện gây trồng cây keo lai và cây keo lá tràm.

1. Khí hậu

Yếu tố

Phạm vi thích hợp

Phạm vi mở rộng

1. Nhiệt độ:

Nhiệt độ trung bình năm (0C)

24 - 30

18 - dưới 38

2. Chế độ mưa

- Lượng mưa bình quân năm (mm)

- Số tháng trung bình mùa khô (tháng)

1.500 - 1.800

4 - 5

600 - 2.500

3 - 7

2. Phân bố theo độ cao, độ dốc

Yếu tố

Phạm vi thích hợp

Phạm vi mở rộng

1. Độ cao tuyệt đối (m)

2. Độ dốc (0)

dưới 500

dưới 20

800

dưới 35

3Đất đai

Yếu tố

Phạm vi thích hợp

Phạm vi mở rộng

- Thành phần cơ giới

Độ pH

- Độ dày tầng đất hữu hiệu (cm)

Cát pha, thịt nhẹ

4,5 - 7,5

50 trở lên

Các loại đất khác trừ các loại đất tại khoản 4, Điều 5 của quy trình này.

3,5 - 8,5

35 - dưới 50

4. Lưu ý: Không trồng cây Keo lai và keo lá tràm trên các loại đất sau:

a) Đất cát ven biển di động và có gió mạnh;

b) Đất cát ven biển bị ảnh hưởng của nước mặn và sóng biển;

c) Đất bị đọng nước, úng ngập;

e) Đất bị đá ong hoá cứng chặt, đá bàn hoặc bị xói mòn trơ tầng mẫu chất.

Chương IV

TRỒNG RỪNG

Điều 6. Tiêu chuẩn cây con

1. Phẩm chất di truyền: Cây keo lai, keo lá tràm phải được nhân giống từ nguồn giống có xuất xứ rõ ràng, được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận nguồn gốc giống của lô cây con.

2. Phẩm chất sinh lý:

a) Cây keo lai: Cây keo lai mô từ 3,5- 5 tháng tuổi kể từ lúc cấy cây, chiều cao đạt từ 25cm trở lên; đường kính cổ rễ 0,2 cm trở lên. cây keo lai hom từ 2,5 - 4 tháng tuổi kể từ lúc giâm hom, chiều cao đạt từ 30cm trở lên. Cây con đem trồng phải có bộ rễ phát triển tốt, có nốt sần; cây không cong queo sâu bệnh, không cụt ngọn; hình dáng cân đối, đã được đảo bầu và xén rễ mọc ra ngoài bầu.

b) Cây keo lá tràm: Cây keo lá tràm mô chiều cao đạt từ 25cm trở lên; đường kính cổ rễ 0,2 cm trở lên. Cây keo lá tràm hom từ 3,5 - 5 tháng tuổi kể từ lúc giâm hom, chiều cao đạt từ 30cm trở lên. Cây con đem trồng phải có bộ rễ phát triển tốt, có nốt sần; cây không cong queo sâu bệnh, không cụt ngọn; hình dáng cân đối, đã được đảo bầu và xén rễ mọc ra ngoài bầu.

Điều 7. Phương thức trồng, mật độ trồng và khoảng cách trồng.

1. Phương thức trồng: Trồng thuần loại.

2. Mật độ trồng:

Tuỳ theo mục đích kinh doanh, điều kiện lập địa, khả năng đầu tư mà lựa chọn mật độ trồng rừng thích hợp. Cần lựa chọn một trong các mật độ sau đây:

- Mật độ 1.111 cây/ha - cây cách cây 3,0 mét, hàng cách hàng 3,0 mét

- Mật độ 1.333 cây/ha - cây cách cây 2,5 mét, hàng cách hàng 3,0 mét.

- Đối với những đơn vị trồng rừng với mật độ 1.600 cây/ha - 2.000 cây/ha thì áp dụng Quy trình kỹ thuật trồng rừng sản xuất bằng cây keo lai (Acacia hybrid) ban hành kèm theo quyết định số 1014/QĐ-SNN ngày 26/5/2008 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định và khi rừng trồng từ 5 năm tuổi trở lên thì tiến hành chuyển hoá rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn theo Hướng dẫn kỹ thuật chuyển hoá rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn của của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định dự kiến ban hành trong tháng 7/2015.

Điều 8. Xử lý thực bì

1. Trạng thái thực bì được xử lý: Trạng thái IA, IB (đối với diện tích trồng mới); thực bì sau khai thác (đối với diện tích trồng lại rừng sau khai thác ).

2. Phương thức xử lý thực bì: Xử lý thực bì toàn diện hoặc cục bộ, tuỳ theo thực tế.

3. Phương pháp xử lý thực bì: sử dụng công cụ thủ công hoặc thiết bị cơ giới.

4. Biện pháp kỹ thuật: Phát sạch thực bì, gốc phát không cao quá 15 cm. Trước khi đốt thực bì phải làm đường ranh cản lửa rộng tối thiểu 15 m để khi đốt lửa không thể cháy lan ra ngoài phạm vi dự kiến trồng rừng; những thân cây hoặc cành nhánh, dây leo chưa cháy hết nếu còn dài trên 1m thì phải chặt ngắn dưới 1m và rải trên đất. Nhất thiết không được xếp đống.

5. Thời gian thực hiện: muộn nhất không quá 31/8 năm trồng rừng.

Điều 9. Làm đất

1. Phương thức làm đất: Làm đất cục bộ hoặc làm đất toàn diện.

2. Phương pháp làm đất :

a) Làm đất cục bộ: áp dụng đối với nơi có độ dốc từ 10trở lên: Bố trí các hàng phải song song theo đường đồng mức. Đào hố với kích thước 40 x 40 x 40 cm; khi đào hố phải cuốc lớp đất mặt để riêng ra một bên.

b) Làm đất toàn diện: Có thể áp dụng đối với nơi có độ đốc nhỏ hơn 100. Cày toàn diện sau đó đào hố với kích thước 40 x 40 x 40 cm.

3. Thời gian thực hiện: thực hiện trước 30 tháng 9 năm trồng rừng.

Điều 10. Bón lót và lấp hố.

1. Bón lót bằng phân Vi sinh với liều lượng 200 gam/hố. Bón lót được thực hiện đồng thời với lấp hố.

2. Lấp hố: Dùng cuốc vạt lớp đất mặt lấp đầy 2/3 hố, cho phân xuống trộn đều phân với đất đã lấp, sau đó lấp đất lên đầy miệng hố. Công việc này thực hiện xong trước lúc trồng 7 -15 ngày.

Điều 11. Thời vụ và kỹ thuật trồng rừng.

1. Thời vụ trồng: Từ ngày 15 tháng 9 đến ngày 30 tháng 11 năm trồng rừng. Khi đất đã đủ ấm, chọn ngày râm mát để trồng cây, nếu ngày nắng thì nên trồng vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát. Tuyệt đối không trồng vào những ngày mưa to, gió lớn.

2. Kỹ thuật trồng:

a) Dùng cuốc hoặc bay moi một lỗ sâu 14 - 15 cm rộng 14 - 15 cm ở giữa hố đã lấp.

b) Dùng dao sắc hoặc lưỡi lam rạch túi bầu, gỡ nhẹ túi bầu ra khỏi bầu.

c) Đặt bầu cây trồng ngay ngắn xuống lỗ, lấp đất ngập 1/2 chiều cao bầu, ấn chặt giữ bầu cố định sau đó vun đất đầy cao hơn mặt bầu 3- 4 cm và ấn chặt đất xung quanh bầu cây. Các thao tác phải hết sức khéo léo tuyệt đối không làm vỡ bầu.

Điều 12. Chống mối.

Sau khi trồng xong phải kịp thời và thường xuyên kiểm tra nếu phát hiện có mối hại phải dùng thuốc chống mối phòng trừ cho cây trồng với liều lượng 5gam/cây và kỹ thuật sử dụng theo hướng dẫn sử dụng ghi trên bao bì.

Chương V

CHĂM SÓC VÀ BẢO VỆ RỪNG TRỒNG

Điều 13. Trồng dặm.

Sau khi trồng từ 8 - 10 ngày thì tiến hành kiểm tra cây trồng, xác định cụ thể số lượng cây chết, số hố trồng bị bỏ sót và trồng dặm ngay sau khi kiểm tra. Cây con trồng dặm phải đạt tiêu chuẩn như cây trồng chính. Yêu cầu trong năm đầu tỷ lệ cây sống bình thường phải đạt tối thiểu 90%.

Điều 14. Chăm sóc rừng trồng

1. Quy định số năm chăm sóc và số lần chăm sóc như sau:

a) Số năm chăm sóc : 4 năm kể cả năm trồng mới;

b) Số lần chăm sóc : 6 lần/4năm;

- Chăm sóc năm thứ nhất (năm trồng mới): 1 lần ;

- Chăm sóc năm thứ hai : : 2 lần ;

- Chăm sóc năm thứ ba : : 2 lần ;

- Chăm sóc năm thứ tư : : 1 lần .

2. Kỹ thuật chăm sóc.

a) Năm thứ nhất: Thực hiện 1 lần sau khi trồng rừng 1-2 tháng và phải xong trước ngày 31 tháng 12.

- Biện pháp kỹ thuật: Phát thực bì toàn diện, chiều cao gốc phát không quá 15cm; cắt và gỡ dây leo quấn quanh cây trồng. Sửa lại những cây bị nghiêng ngả, xới đất sâu 7-10cm và vun đất xung quanh gốc cây trong phạm vi đường kính 0,6 -0,8m.

b) Năm thứ hai: Thực hiện 2 lần.

Lần 1:

- Thời vụ: Tháng 2 đến tháng 3.

- Biện pháp kỹ thuật: Phát thực bì toàn diện, chiều cao gốc phát không quá 15cm; cắt và gỡ dây leo quấn quanh cây trồng.

Lần 2:

- Thời vụ: Tháng 9 đến tháng 11.

- Biện pháp kỹ thuật:

+ Phát thực bì toàn diện, chiều cao gốc phát không quá 15cm; cắt và gỡ dây leo quấn quanh cây trồng;` Dẫy cỏ, xới đất sâu 7-10cm, vun gốc trong phạm vi đường kính 0,8 - 1m, chú ý tránh làm tổn hại đến rễ cây trồng; bón thúc 100 gam NPK/cây. Nên chọn những loại phân có tỷ lệ lân cao như NPK tỷ lệ 5:10:3 hoặc 10:16:18, bón xa gốc 30 - 35cm; trồng dặm thay thế những cây bị chết và bỏ thuốc chống mối cho cây trồng với liều lượng 5gam/cây và kỹ thuật sử dụng theo hướng dẫn sử dụng ghi trên bao bì.

+ Tỉa thân: (nên thực hiện trong tháng 9, những ngày không có mưa); với mục đích tạo cây đơn thân để tập trung cho cây sinh trưởng về đường kính và chiều cao. Khi cây cao từ 2m trở lên, chọn 1 thân thẳng tốt nhất để lại, còn những thân khác dùng dao, cưa hoặc kéo chặt bỏ cách gốc 1 - 2cm. Những cây phát triển nhiều ngọn cũng loại bỏ bớt chỉ để lại 1 ngọn chính, vì những điểm này thường bị hiện tượng tước thân, gãy đổ khi có gió lớn.

c) Năm thứ ba: Thực hiện 2 lần.

Lần 1:

- Thời vụ: Tháng 2 đến tháng 3.

- Biện pháp kỹ thuật:

+ Phát thực bì toàn diện chiều cao gốc phát không quá 15cm; cắt và gỡ dây leo quấn quanh cây trồng.

+ Tỉa cành: Mục đích để gỗ ít mắt, ít khuyết tật, tạo chiều cao dưới cành như mong muốn. Khi cây cao từ 6-8m và bắt đầu xuất hiện tỉa cành tự nhiên thì tiến hành tỉa cành. Với những cành nhỏ có đường kính <3cm, dùng rựa sắc hoặc kéo cắt cành cắt gần sát vào thân chính, không tạo vết dập, vết xước để tránh xâm nhập nấm bệnh. Với những cành có đường kinh ≥3cm phải tiến hành theo 2 bước: bước 1 tiến hành cắt đầu cành (chiều dài 50% cành) để hãm lại không cho cành tăng trưởng đường kính, để một thời gian khi thân chính phát triển to mới tiến hành bước thứ 2 là dùng cưa cưa cách thân chính 1-2cm để loại bỏ cành. Công tác tỉa cành lưu ý không tỉa quá 50% tán cây nhằm giúp cây có đủ khả năng quang hợp; không tỉa cành vào mùa mưa, vì các vết cắt sẻ dễ bị nấm bệnh xâm nhập.

Lần 2:

+ Thời vụ: Tháng 9 đến tháng 11.

+ Biện pháp kỹ thuật: Phát thực bì toàn diện chiều cao gốc phát không quá 15cm; cắt và gỡ dây leo quấn quanh cây trồng; Dẫy cỏ, xới đất sâu 7-10cm, vun gốc trong phạm vi đường kính 0,8 - 1m, chú ý tránh làm tổn hại đến rễ cây trồng; bón thúc 100 gam NPK/cây, bón xa gốc 45 - 50 cm.

d) Năm thứ tư: Thực hiện 1 lần.

- Thời vụ: Tháng 9 đến tháng 11.

- Biện pháp kỹ thuật: Phát thực bì toàn diện chiều cao gốc phát không quá 15cm; cắt và gỡ dây leo quấn quanh cây trồng.

Điều 15. Tỉa thưa rừng trồng

1. Thời điểm tỉa thưa: Khi rừng trồng đã khép tán tiến hành tỉa thưa rừng trồng; tỉa thưa được tiến hành vào đầu mùa mưa.

2. Số lần tỉa thưa

- Tỉa thưa lần 1: Khi rừng trồng có sự cạnh tranh và kìm hãm sự phát triển về đường kính, tán cây; cây rừng đạt đường kính trung bình từ 11-12 cm thì tiến hành tỉa thưa lần đầu tiên.

- Tỉa thưa lần 2: Thực hiện khi rừng khép tán trở lại, độ tàn che cao hơn 0,7 và xuất hiện sự cạnh tranh giữa các cây trong lâm phần.

3. Mật độ sau tỉa thưa:

- Tỉa thưa lần 1: Mật độ để lại: 900cây/ha.

- Tỉa thưa lần 2: . Mật độ để lại: 600 -750 cây/ha.

4. Kỹ thuật tỉa thưa:

a) Kỹ thuật bài cây

- Cây giữ lại là cây có hình dáng tốt, một thân, đường kính lớn, cành nhỏ.

- Cây tỉa là những cây có hình dáng xấu, đường kính nhỏ, cành lớn, đa ngọn và bị sâu bệnh hại.

- Không tỉa thưa 3 cây liền nhau trong một lần tỉa để tránh tạo khoảng trống lớn.

- Tạo không gian sinh trưởng tương đối đồng đều cho các cây để lại cho lần tỉa sau.

b) Đánh dấu cây bài chặt

Cây bài chặt được đánh 2 dấu x bằng sơn đỏ, một dấu ở tầm cao 1,3m trên thân cây, một dấu ở dưới tầm chặt cách mặt đất chừng 1/4 đường kính gốc cây. Đánh dấu cây bài chặt theo một hướng nhất định trong khu rừng tỉa thưa.

c) Kỹ thuật tỉa thưa

- Kỹ thuật tỉa thưa và vệ sinh rừng phải tuân thủ theo đúng quy định hiện hành về khai thác, tỉa thưa rừng trồng ( Quy trình kỹ thuật khai thác gỗ rừng trồng ban hành kèm theo Quyết định số 1498/QĐ-SNN-KH, ngày 10/9/2003 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định ).

- Lập hồ sơ theo dõi quá trình tỉa thưa.

Điều 16. Bảo vệ rừng trồng.

1. Bảo vệ rừng trồng phòng chống các tác động gây hại đến rừng trồng

a) Tổ chức lực lượng quản lý bảo vệ rừng trồng phù hợp với yêu cầu, kế hoạch từ khi trồng rừng đến khi khai thác;

b) Thực hiện các biện pháp phòng chống gia súc v.v...phá hoại cây trồng, con người chặt phá và tác hại của thiên nhiên đối với rừng.

2. Phòng trừ sâu bệnh hại.

Sau khi trồng xong phải và thường xuyên theo dõi tình hình sâu bệnh hại cây trồng. Khi phát hiện có sâu bệnh hại phải kịp thời xử lý. Tuỳ theo mức độ nhiễm sâu bệnh mà có biện pháp phòng, trừ thích hợp.

a) Nếu nhiễm bệnh rải rác phải nhổ cây bị bệnh, gom thành đống nhỏ và đốt cháy sạch. Phun phòng trên toàn bộ diện tích.

b) Nếu nhiễm sâu bệnh hại tập trung phải phun thuốc, kết hợp với các biện pháp kỹ thuật lâm sinh để phòng trừ.

c) Những nơi thường xẩy ra dịch bệnh phải có kế hoạch theo dõi, lập dự tính dự báo, chuẩn bị vật tư nhân lực để tiến hành các biện pháp phòng trừ hữu hiệu.

3. Phòng cháy, chữa cháy rừng và các tác nhân gây hại khác.

a) Phòng cháy, chữa cháy rừng: Áp dụng quy phạm phòng cháy, chữa cháy rừng thông, rừng tràm và một số loại rừng dễ cháy khác (04 TCN -2006) được ban hành kèm theo Quyết định số 4110/QĐ/BNN-KHCN ngày 31/12/2006 của Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều 17. Nghiệm thu

1. Công tác nghiệm thu phải được tiến hành kịp thời đúng thời gian theo quy định. Biên bản nghiệm thu phải thể hiện đầy đủ, chính xác kết quả của công tác trồng rừng cả về mặt khối lượng và chất lượng.

2. Các biện pháp kỹ thuật nghiệm thu trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng thực hiện theo Thông tư số 69/2011/TT-BNNPTNT ngày 21 tháng 10 năm 2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hướng dẫn thực hiện một số nội dung Quy chế quản lý đầu tư xây dựng công trình lâm sinh ban hành kèm theo Quyết định số 73/2010/QĐ-TTg ngày 16 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hưóng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định.

Điều 18. Thiết lập và lưu trữ hồ sơ

Hồ sơ, lý lịch rừng trồng để quản lý bao gồm:

1. Tài liệu thiết kế trồng rừng.

2. Tài liệu thi công, tài liệu hoàn công;

3. Tài liệu nghiệm thu hàng năm, nghiệm thu kết thúc dự án, phúc tra nghiệm thu của Hội đồng Phúc tra nghiệm thu (nếu có)

4. Hồ sơ phải đảm bảo tính khoa học và đầy đủ cho đến khi rừng trồng chuyển sang giai đoạn khai thác.

Chương VI ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 19. Quy trình này áp dụng cho tất cả các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế trồng rừng sản xuất gỗ lớn bằng cây keo lai và cây keo lá tràm trên phạm vi tỉnh Bình Định.

Điều 20. Quy trình này là cơ sở để các đơn vị xây dựng định mức kinh tế, kỹ thuật, lập dự án lâm sinh đối với công trình trồng rừng, đồng thời là căn cứ để chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn trong quá trình tổ chức thực hiện và quản lý.

Trong quá trình thực hiện nếu cần bổ sung, sửa đổi phải có văn bản báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xem xét, giải quyết./.

Scroll To Top