Đang tải...

Trích Quyết định số 692/QĐ-UBND ngày 09/6/2020 của UBND huyện Vĩnh Thạnh về việc ban hành Quy chế Tổ chức và hoạt động của Ban Quản lý rừng phòng hộ Vĩnh Thạnh

Điều 1. Vị trí, chức năng
1. Vị trí: Ban Quản lý rừng phòng hộ Vĩnh Thạnh (sau đây gọi tắt là Ban Quản lý rừng) là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND huyện Vĩnh Thạnh; chấp hành sự lãnh đạo, quản lý về tổ chức, vị trí việc làm, biên chế viên chức, cơ cấu ngạch viên chức và công tác của UBND huyện và Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh; đồng thời chấp hành sự chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định.
Ban Quản lý rừng có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng; trụ sở làm việc đặt tại khu phố Định Tố, thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định.
2. Chức năng: Ban Quản lý rừng có chức năng quản lý, bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp có chức năng phòng hộ; trồng và chăm sóc rừng trồng, rừng phòng hộ; khoanh nuôi phục hồi rừng; nuôi dưỡng làm giàu rừng, cải tạo rừng; khai thác gỗ và lâm sản ngoài gỗ; khoán rừng và đất lâm nghiệp; dịch vụ giống cây trồng theo quy định của pháp luật.
Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn
Quyền và nghĩa vụ của Ban Quản lý rừng thực hiện theo quy định tại Điều 76 Luật Lâm nghiệp năm 2017, Điều 2 Quyết định số 25/QĐ-UBND ngày 15/01/2007 của UBND tỉnh Bình Định và theo các quy định sau:
1. Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện và pháp luật về quản lý, bảo vệ, xây dựng và sử dụng rừng phòng hộ trên địa bàn huyện.
2. Trực tiếp quản lý, chỉ đạo hoạt động đối với lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng; tổ chức xây dựng lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng có đủ năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; phối hợp với lực lượng Kiểm lâm và các lực lượng có liên quan khác trên địa bàn để bảo vệ rừng.
3. Căn cứ vào dự án đầu tư xây dựng và phát triển rừng phòng hộ do cấp có thẩm quyền phê duyệt, Ban Quản lý rừng xây dựng kế hoạch hoạt động hằng năm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để tổ chức thực hiện.
4. Tiếp nhận vốn đầu tư của Nhà nước, phối hợp với các cơ quan có liên quan ở địa phương tổ chức thực hiện kế hoạch giao khoán cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bảo vệ và xây dựng rừng phòng hộ, quản lý và sử dụng vốn đầu tư theo đúng các quy định hiện hành.
5. Quản lý tài chính, tài sản được giao; thực hiện các quy định về chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng; cải cách hành chính theo quy định của Nhà nước.
6. Quản lý bộ máy tổ chức; quyết định phân công viên chức và người lao động theo vị trí việc làm, đảm bảo thực hiện tốt yêu cầu nhiệm vụ được giao; chế độ tiền lương; khen thưởng, kỷ luật theo phân cấp và quy định hiện hành của Nhà nước.
7. Tuyên truyền giáo dục Nhân dân trên địa bàn tham gia bảo vệ và xây dựng rừng phòng hộ.
8. Tổ chức các hoạt động dịch vụ theo quy định của pháp luật:
a) Các hoạt động du lịch, nghiên cứu khoa học, giảng dạy, thực tập; sản xuất nông lâm nghiệp kết hợp.
b) Tổ chức dịch vụ môi trường rừng theo quy định của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.
c) Tổ chức thực hiện tư vấn thiết kế các hạng mục đầu tư lâm sinh, tư vấn thiết kế khai thác gỗ rừng tự nhiên (nếu có), rừng trồng theo quy định của pháp luật.
d) Tham gia đấu thầu các công trình dự án lâm sinh từ các chương trình, dự án.
đ) Tổ chức khai thác, tận thu, tận dụng gỗ (nếu có) và khai thác lâm sản ngoài gỗ, thực hiện trồng chăm sóc rừng và các hạng mục đầu tư lâm sinh khác.
e) Sản xuất, dịch vụ cung ứng giống cây trồng lâm nghiệp.
9. Định kỳ báo cáo cấp trên về tình hình diễn biến tài nguyên rừng và các hoạt động quản lý, bảo vệ, xây dựng phát triển rừng phòng hộ theo quy định.
10. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Chủ tịch UBND huyện giao và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Scroll To Top